Tại buổi tọa đàm, VAMC và KAMCO đã thống nhất một số giải pháp nhằm hỗ trợ VAMC trong hoạt động xử lý nợ xấu thời gian tới bao gồm: cung cấp các nguồn tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc để hỗ trợ kỹ thuật cho VAMC; cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động chứng khoán hóa khoản nợ để VAMC bước đầu tiếp cận; cử chuyên gia hỗ trợ VAMC giai đoạn 2024-2025 nhằm cụ thể hóa những giải pháp hai bên đã thống nhất tại buổi tọa đàm,…
Phía KAMCO cũng bày tỏ sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường nợ xấu tại Việt Nam và đề nghị VAMC hợp tác trong việc cung cấp danh mục khách hàng vay, tài sản bảo đảm để các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể nghiên cứu, tiếp cận trong khuôn khổ quy định pháp luật Việt Nam.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Hàn QuốcKể từ cuối năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc xảy ra, tái cơ cấu doanh nghiệp và tài chính đã trở thành vấn đề nghị sự quốc gia ở Hàn Quốc. Đặc biệt, việc các ngân hàng Hàn Quốc thực hiện xử lý thành công một lượng lớn các khoản nợ xấu (NPLs) là yếu tố then chốt để chính phủ Hàn Quốc có thể bình ổn được thị trường tài chính và là nền tảng cho những giải pháp cải cách kinh tế tiếp theo ở Hàn Quốc.
Đầu năm 1998, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tiến hành đánh giá lại nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng quốc gia. Để giải quyết vấn đề nợ xấu gia tăng mạnh mẽ, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành đạo luật cải tiến chức năng và nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản nợ thuộc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), chuyển thành Công ty Quản lý Tài sản Hàn Quốc (KAMCO) được phép mua bán nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng Hàn Quốc. KAMCO do ba đơn vị sở hữu và quản lý: Bộ Tài chính và Kinh tế (đóng góp 42.8% vốn), KDB (28.6%) và các định chế tài chính khác (28.6%), theo một báo cáo năm 2017.
Còn hiện tại KAMCO có vốn pháp định 7 ngàn tỷ won (gần 5.1 tỷ USD), vốn huy động 3.3 ngàn tỷ won (gần 2.4 tỷ USD). Cơ cấu cổ đông cho thấy Bộ Tài chính và Kinh tế nắm 73.97%, Bộ Đất đai Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc nắm 14.94%, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc nắm 6.64%, KDB nắm 2.09%, 15 định chế tài chính khác nắm 2.36%.
Cơ cấu cổ đông KAMCO tính đến đầu năm 2023
Nguồn: KAMCOKAMCO có nhiệm vụ điều hành Quỹ Quản lý nợ xấu (NPA) với thời hạn hoạt động 5 năm để giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Quỹ NPA đã huy động tổng cộng 21,6 nghìn tỷ won, bao gồm: 20.5 ngàn tỷ won từ phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 500 tỷ won vay từ KDB và 600 tỷ won từ các định chế tài chính khác. Trái phiếu NPA phát hành trong thời gian từ tháng 11/1997-12/1999.
KAMCO mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính dựa trên các tiêu chí nhất định và bằng nhiều phương pháp khác nhau như phân tích, định giá và đàm phán giá bán cuối cùng. Việc thanh lý các khoản nợ xấu được tiến hành từ cuối năm 2008, dưới nhiều hình thức, từ đấu thầu quốc tế cho đến bán buôn, bán lẻ và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp.
Giai đoạn 1997-2003, KAMCO đã thu hồi được 110.1 ngàn tỷ won, tương ứng với tỷ lệ thu hồi là 46.8% trên giá trị khoản nợ. Nhờ sử dụng đồng loạt các biện pháp xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17.7% trong năm 1998 xuống còn 14.9%, 10.4%, 5.6% và 3.9% vào các năm tương ứng 1999, 2000, 2001 và 2002. Trong năm 2014, KAMCO đã xử lý được 25 ngàn tỷ won nợ xấu.
Ngoài ra, từ tháng 11/1997, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã huy động quỹ công chúng với tổng số tiền là 6 tỷ won (khoảng 58 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp và tài chính. Quỹ công chúng được chia thành 2 quỹ với các mục đích đặc biệt gồm quỹ để xử lý các khoản nợ xấu (NRF) và quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF).
KAMCO và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (Korea Deposit Insurance Corporation -KDIC) phát hành trái phiếu để huy động cho quỹ NRF và DIF. Các trái phiếu này đều được chính phủ bảo lãnh thanh toán. Bộ Tài chính và Kinh tế, có tham khảo ý kiến của Ủy ban giám sát tài chính, chịu trách nhiệm ban hành chính sách và phối hợp quản lý quỹ công chúng.
KAMCO quản lý NRF với số vốn huy động là 20.5 tỷ won và KDIC quản lý DIF với 43.5 tỷ won. Mục đích chính của quỹ NRF là mua lại những khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính (chủ yếu là ngân hàng) và xử lý thông qua việc bán lại, phát hành chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản (ABS) hoặc chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS), hoặc các kỹ thuật khác như hoán đổi nợ - vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu nợ và tái tài trợ cho các công ty gặp khó khăn tạm thời về tài chính.
Tỷ lệ thu hồi của NRF là 87,3%, đồng thời NRF lại sử dụng tiền thu hồi được này để tiếp tục mua các khoản nợ xấu. Tổng số tiền mà NRF đã dùng để mua nợ xấu là 30 tỷ won.
Mặt khác, DIF huy động vốn để tái cơ cấu vốn cho các tổ chức tài chính và thực hiện thanh toán cho người gửi tiền ở các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán. DIF đã dùng khoảng 48 tỷ won cho mục đích trên. Thêm vào đó, DIF cũng dùng tiền để mua lại các khoản nợ xấu, và khi đó DIF đóng vai trò như KAMCO (DIF đã dùng 4 tỷ won mua lại các tài sản xấu ở các ngân hàng).
KAMCO phân các tài sản mua thành 2 loại: tài sản thông thường và tài sản đặc biệt. Tài sản thông thường là những khoản nợ xấu mà khả năng được thanh toán không chắc chắn. Tài sản đặc biệt là những khoản nợ xấu cho các công ty đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, do đó các khoản nợ được cơ cấu lại với lãi suất thấp hơn và thời gian trả nợ kéo dài. Các loại tài sản này lại tiếp tục đươc phân thành các khoản vay có đảm bảo và không có đảm bảo.
Sau khi mua lại, KAMCO sẽ nhóm các khoản nợ xấu này lại và bán cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá quốc tế hoặc KAMCO sẽ phát hành các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản dựa trên các khoản nợ xấu đã mua. KAMCO cũng có thể tịch thu thế chấp của các tài sản có đảm bảo. Đôi khi, KAMCO nắm giữ các khoản nợ xấu và cố gắng tái cơ cấu nợ, tái tài trợ hay chuyển đổi nợ - vốn chủ nếu KAMCO cho rằng công ty đó có khả năng hồi phục.
Thu Minh
FILI